Sinh viên

HEC - CLB KT&KDQT

[HEC - SHARE] LÀN SÓNG SA THẢI Ở CÁC CÔNG TY CÔNG NGHỆ: KHÚC DẠO ĐẦU CỦA CUỘC SUY THOÁI TẠI MỸ ?

18/12/2022
Cứ ngỡ rằng xu hướng bùng nổ công nghệ trong thời gian đại dịch sẽ kéo dài mãi mãi, các ông lớn công nghệ đã đầu tư mạnh tay để rồi giờ đây khiến hàng nghìn nhân viên phải trả giá. Trong thời gian vừa qua, “cơn bão” sa thải của các công ty Big Tech đang “càn quét” dữ dội trước bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế.
CÔNG TY SA THẢI HẾT MÌNH, CÔNG NHÂN “HẾT HỒN”
Ảnh 1: Công ty sa thải "hết mình" nhân viên "hết hồn"

CÔNG TY SA THẢI HẾT MÌNH, CÔNG NHÂN “HẾT HỒN”

Mặc dù làn sóng sa thải nhân viên công nghệ đã nhen nhóm từ đầu năm 2022 khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát nhưng mới đây nó lại trở thành câu chuyện nóng hổi của thung lũng Silicon. Cụ thể, bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay đã có hơn 20.500 nhân viên của các công ty công nghệ bị sa thải, đây là mức cao nhất kể từ tháng 6/2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Twitter đã nổ phát súng đầu tiên, khi ông chủ mới của mạng xã hội này – Elon Musk đã sa thải tới gần một nửa số nhân viên của công ty qua email, với mục tiêu là để tái cơ cấu và cắt giảm chi phí.

Mới đây, theo một báo cáo từ tờ The New York Times, Tập đoàn thương mại điện tử Mỹ Amazon đang có kế hoạch sa thải khoảng 10.000 nhân viên, tập trung chủ yếu ở các bộ phận thiết bị công nghệ, bán lẻ và nhân sự. Đáng chú ý là kế hoạch sa thải nhân viên của Amazon diễn ra đúng thời điểm bắt đầu kỳ mua sắm quan trọng nhất trong năm, vốn là lúc thường phải tuyển thêm nhân công.

Trước Amazon, công ty mẹ của Facebook, Meta đã công bố kế hoạch cắt giảm 11.000 nhân viên, tương đương 13% lực lượng lao động hiện có. Bên cạnh đó, Apple cũng bước vào thời kỳ đóng băng tuyển dụng.

Làn sóng sa thải tại các công ty công nghệ lan rộng từ Bắc Mỹ sang đến khu vực Châu Âu, và giờ cũng đã “gõ cửa” đến các tập đoàn lớn ở châu Á như Alibaba, Tencent, Shopee. Nhìn chung, làn sóng cắt giảm lao động đang diễn ra mạnh mẽ và các công ty sẽ đóng băng tuyển dụng trong thời gian tới, điều này cho thấy "bóng ma suy thoái kinh tế" đang đến rất gần.

Ảnh 2: Làn sóng sa thải ở các công ty công nghệ: Khúc dạo đầu của cuộc suy thoái tại Mỹ?

VẬY, ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN CHÂM NGÒI CHO HIỆU ỨNG SA THẢI NÀY?

Việc tuyển dụng ồ ạt đang được coi là nguyên do chính cho hiệu ứng này. 

Khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, hầu hết các doanh nghiệp phải chuyển sang hình thức kinh doanh trực tuyến, người dân thì ở nhà với nhu cầu giải trí cao. Do đó, bất chấp sự hỗn loạn của dịch bệnh thì các công ty công nghệ vẫn đạt được mức doanh thu kỷ lục, tạo ra lợi nhuận kỷ lục và thúc đẩy việc tuyển dụng lên cao trào. Chẳng hạn, Meta đã thuê hơn 27.000 người vào năm 2020 và 2021. Giờ đây, khi mọi thứ đang dần trở lại bình thường, thế giới công nghệ cần có sự hiệu chỉnh khi mà mọi người không còn bắt buộc phải ở nhà, bớt thời gian sử dụng thiết bị điện tử hơn trước. Nhà sáng lập của Stripe (được cho là một trong các startup về phần mềm và dịch vụ tài chính nổi bật và có giá trị nhất của thung lũng Silicon) đã thừa nhận đã tuyển dụng quá mức và nhấn mạnh rằng họ đã quá lạc quan về tăng trưởng mà không kiểm soát được vấn đề chi phí trong thời kỳ tăng trưởng nhanh chóng. Một số công ty khác cũng bị đổ lỗi tương tự cho vấn đề tuyển dụng, đặc biệt là tuyển dụng những vai trò không ý nghĩa.

    Báo cáo thu nhập trong vài tuần vừa qua cũng đã đặt một DẤU CHẤM THAN lớn cho tương lai không mấy khả quan của các “gã khổng lồ” công nghệ . Xuất phát từ dấu hiệu sắp xảy ra một cuộc suy thoái khiến khách hàng giảm quy mô chi tiêu. Đối với một số công ty, những thách thức kinh tế này diễn ra trong thời điểm mà họ đang phải lên kế hoạch tài chính cho năm tiếp theo. Ví dụ: Amazon, Meta và Google sẽ báo cáo tổng kết tài chính vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023. Theo đó, việc sa thải nhân viên giúp họ cân đối chi phí trong bảng kê kế toán của mình khi tiền lương của người lao động sẽ không được ghi trên sổ sách trước khi kết thúc quý đầu tiên.

  Một yếu tố khác đè nặng lên các công ty công nghệ là lãi suất liên tục tăng kể từ tháng Ba năm nay. Năm 2021, các công ty dễ dàng tiếp cận vốn do lãi suất thấp, từ đó họ có thể tiếp tục phát triển mà không phải tính đến các phương án dự phòng đối phó với tốc độ gây quỹ chậm hơn. Tuy nhiên, với việc Hoa Kỳ đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao 8-9% trong năm nay, tăng lãi suất là một cách thoát khỏi chu kỳ lạm phát. Điều đó khiến các nhà đầu tư phải xem xét lại liệu các công ty phát triển mạnh nhờ lãi suất thấp hơn có thể tồn tại hay không, khi trên thực tế các công ty công nghệ có dấu hiệu hoạt động kém đi khi lãi suất cao hơn và chi phí đắt đỏ hơn.

Ảnh 3: Liệu đây có phải báo hiệu cho cuộc suy thoái kinh tế tại thung lũng silicon

LIỆU ĐÂY CÓ PHẢI BÁO HIỆU CHO CUỘC SUY THOÁI KINH TẾ TẠI THUNG LŨNG SILICON

Các nhà kinh tế học lao động nói rằng việc sa thải có thể không nhất thiết báo hiệu một sự suy thoái lớn trong các ngành công nghiệp khác. Các nhà tuyển dụng đang tăng thêm 60% việc làm mỗi tháng so với trước Covid và mức sa thải thấp nhất trong lịch sử là 1,3 triệu người, tức dưới 1% lực lượng lao động. Những đợt sa thải này chỉ cho thấy nhu cầu trong ngành công nghệ giảm xuống sau một thời kỳ bùng nổ bất thường. Một số nhà kinh tế lao động cho biết việc sa thải nhân viên trong ngành công nghệ có thể quá nhỏ cho đến nay để có tác động lớn đến dữ liệu việc làm tổng thể. Và họ nói rằng sự chậm trễ trong báo cáo của chính phủ có thể làm giảm số lượng nhân viên bị sa thải, nhưng nhu cầu tổng thể đối với nhân viên công nghệ vẫn cao và số lượng nhân viên bị sa thải ít hơn bình thường trong các ngành khác, chẳng hạn như khách sạn, có thể bù đắp cho những tổn thất.

  Các nhà kinh tế và nhà đầu tư đã trở nên cảnh giác về khả năng suy thoái của thị trường lao động khi Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất để hạ nhiệt nhu cầu tiêu dùng và kiểm soát lạm phát. Khi mọi người chi tiêu ít hơn cho hàng hóa và dịch vụ, ý tưởng là giá cả sẽ giảm xuống. Nhưng điều đó có nguy cơ dẫn đến suy thoái kinh tế, vì các doanh nghiệp có thể giảm tốc độ tuyển dụng hoặc sa thải công nhân do nhu cầu giảm. Larry Summers - cựu Bộ trưởng Tài chính dưới thời Tổng thống Bill Clinton, nói với tờ Financial Times rằng việc kiểm soát giá cả sẽ khó xảy ra nếu không làm gián đoạn thị trường lao động. Ông cho biết: “Theo quan điểm của tôi, chúng ta khó có thể đạt được sự ổn định lạm phát nếu không có suy thoái kinh tế ở mức độ nghiêm trọng có thể đưa tỷ lệ thất nghiệp về mức 6%.”  

    Việc cắt giảm nhân sự là cái giá quá đắt mà các công ty công nghệ Mỹ phải trả do sự tuyển dụng ồ ạt, thừa thãi thời kì COVID. Dẫu cho ngành công nghệ dẫn đầu nền kinh tế toàn cầu trong khoảng thời gian đại dịch, các công ty cũng không tránh khỏi được những tác động của cuộc suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tăng vọt. Xuân ấm, hạ mát, thu se rồi chúng ta cũng phải chạm tới cái lạnh của mùa đông. Đó là chu kỳ của tự nhiên và các công ty cũng vậy. Họ đã có sự phát triển thịnh vượng, những bước nhảy vọt trong lúc cả thế giới đối diện với đại dịch thì giờ đây việc phải đối diện với bài toán nhân sự cũng không thể làm khó được các doanh nghiệp này.

 -------------------------------------------

HEC - CLB Kinh tế và Kinh doanh quốc tế

Nhóm tác giả: Kim Hoài, Thành Đạt, Kim Dung.

Nguồn: Ban Chuyên môn tổng hợp

_______________

MỌI THÔNG TIN XIN LIÊN HỆ:

Fanpage: https://www.facebook.com/CLBXNKHEC

Youtube: https://bit.ly/CLBHEC_2016

Email: hec.dhtm@gmail.com

Hotline: 0329022002 (Mr. Khánh)