Quản lý đào tạo

Quản lý đào tạo

GIỚI THIỆU NGÀNH QUẢN TRỊ KHÁCH SẠN – KHOA KHÁCH SẠN DU LỊCH (HỆ ĐẠI TRÀ)

24/10/2016

            Quản trị khách sạn là một chuyên ngành đào tạo của Khoa Khách sạn – Du lịch, Trường Đại học Thương mại. Nhiều năm trở lại đây, chuyên ngành “Quản trị khách sạn” thu hút một lượng lớn hồ sơ của các thí sinh đăng ký vào ngành. Ngành học này đặc biệt phù hợp với những bạn năng động, nhạy bén trong công việc, có khả năng quan sát nắm bắt tâm lí khách hàng, xử lí tình huống tốt trong những trường hợp khẩn cấp và đặc biệt phải có đam mê, nhiệt huyết trong công việc. Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị khách sạn phải đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ. Cụ thể như sau:
            * Về kiến thức: Sinh viên đạt chuẩn kiến thức cơ bản về khoa học xã hội, chính trị và pháp luật, du lịch và khách sạn, đảm bảo kiến thức của ngành và chuyên ngành đào tạo:
- Kiến thức cơ bản về khoa học xã hội, chính trị và pháp luật, du lịch và khách sạn.
- Kiến thức thực tế vững chắc, kiến thức lý thuyết sâu, rộng về quản trị khách sạn.
- Kiến thức về công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công việc.
- Kiến thức về lập kế hoạch, tổ chức và giám sát các quá trình trong lĩnh vực quản trị khách sạn.
- Kiến thức cơ bản về quản lý, điều hành hoạt động trong khách sạn và các loại hình cơ sở lưu trú.
            * Về kỹ năng: Sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn các kỹ năng chung căn bản của ngành và kỹ năng chuyên sâu của chuyên ngành Quản trị khách sạn, bao gồm:
            * Kỹ năng nghề nghiệp:
- Thiết kế, triển khai, vận hành và đánh giá dự án/phương án kinh doanh khách sạn;
- Thu thập, xử lý thông tin để giải quyết vấn đề trong kinh doanh khách sạn;
- Thực hành nhận thức về khách sạn;
- Thực hành tác nghiệp tại các bộ phận lễ tân, buồng, nhà hàng, bếp, an ninh và các bộ phận dịch vụ khác trong khách sạn và các loại hình cơ sở lưu trú.
            * Kỹ năng tư duy, nghiên cứu:
- Lập luận và giải quyết vấn đề kinh tế, kinh doanh và quản lý;
- Nghiên cứu và khám phá tri thức về quản trị khách sạn;
- Tư duy theo hệ thống;
- Có khả năng làm việc độc lập và khả năng làm việc theo nhóm, hình thành, phát triển và lãnh đạo nhóm;
- Hình thành ý tưởng quản trị khách sạn.
            * Kỹ năng ngoại ngữ, tin học:
- Sử dụng tiếng Anh: Sinh viên sau khi tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra Tiếng Anh theo quy định của Trường Đại học Thương mại tại Quyết định số 979/QĐ-ĐHTM ngày 15/11/2016 (tương đương Bậc 3 theo Thông tư 01/2014/TT-BGD&ĐT quy định về Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. - Sử dụng tin học: Đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo Quyết định 634/QĐ-ĐHTM ngày 26/9/2017.
            * Kỹ năng giao tiếp: Sử dụng tổng hợp các kỹ năng trong giao tiếp, biết lắng nghe, thảo luận, thuyết phục, chia sẻ.
            * Về thái độ: Sinh viên sau khi tốt nghiệp phải đạt được các chuẩn về thái độ như sau:
- Có ý thức công dân, chấp hành nghiêm chỉnh mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước;
- Có phẩm chất đạo đức tốt, ý thức phấn đấu vươn lên trở thành nhà quản trị khách sạn giỏi, hoàn thành tốt các trách nhiệm công dân;
- Có trách nhiệm đối với công việc, đáp ứng các chuẩn mực đạo đức của nhà quản trị khách sạn, có tác phong làm việc khoa học, thái độ làm việc đúng mực;
- Có khả năng cập nhật, phát triển và vận dụng các kiến thức quản trị khách sạn hiện đại, sáng tạo, linh hoạt trong công việc.
            * Về năng lực tự chủ và trách nhiệm: Có năng lực dẫn dắt về chuyên môn, nghiệp vụ đã được đào tạo; có sáng kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao; có khả năng tự định hướng, thích nghi với các môi trường làm việc khác nhau; tự học tập, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; có khả năng đưa ra được kết luận về các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ thông thường và một số vấn đề phức tạp về mặt kỹ thuật; có năng lực lập kế hoạch, điều phối, phát huy trí tuệ tập thể; có năng lực đánh giá và cải tiến các hoạt động chuyên môn ở quy mô trung bình.
            Một trong những thế mạnh của Khoa Khách sạn - Du lịch trong đào tạo ngành Quản trị khách sạn là mối liên kết rộng và chặt chẽ với rất nhiều các doanh nghiệp trong lĩnh vực khách sạn như: CTCP Vinpearl, Các công ty dịch vụ thuộc Tập đoàn Sun Group như CTCP Dịch vụ Cáp treo Bà Nà, CTCP Dịch vụ Cáp treo Fansipan, Langco Beach Resort, Sunrise Premium Beach Resort, Khách sạn Melia Hanoi, Crown Palaza West Hanoi, InterContinental Hanoi Westlake, Sheraton Hanoi, Hanoi Daewoo...và một số đối tác của Nhật Bản như Cookbiz; Suganuma Group; Pizza 4PS,... Hàng năm, Khoa đã tổ chức các đợt kiến tập, thực tập hè để các sinh viên có cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để phục vụ cho nghề nghiệp của mình sau này. Quản trị khách sạn là một trong số các ngành có nhu cầu nhân lực cao nhất tại Hà Nội nói riêng và trong cả nước nói chung. Theo kết quả khảo sát của Phòng Khảo thí & đảm bảo chất lượng của Đại học Thương mại - một trong những trường đại học uy tín đào tạo ngành Quản trị khách sạn, trên 95% sinh viên ngành Quản trị khách sạn có việc làm phù hợp sau một năm tốt nghiệp. Đặc biệt, có rất nhiều sinh viên khoa Khách sạn - Du lịch, trường Đại học Thương mại đã tìm được việc làm bán thời gian tại các doanh nghiệp khách sạn lớn tại Hà Nội và ở các doanh nghiệp đối tác của Khoa Khách sạn - Du lịch ngay từ năm thứ 3, năm thứ 4.
86708781 2513705742068444 5303718478035812352 n

86766376 2513705828735102 5015394918273646592 n

            Sinh viên theo học ngành Quản trị Khách sạn còn có cơ hội tham gia các hoạt động du lịch thông qua hệ thống các câu lạc bộ, trong đó nổi bật là Câu lạc bộ Du lịch (Tourism Club). Rất nhiều các hoạt động du lịch ý nghĩa được Câu lạc bộ tổ chức dưới sự quản lý của Khoa.
            * Sinh viên tốt nghiệp và đạt chuẩn đầu ra ngành, chuyên ngành Quản trị khách sạn khi ra trường có khả năng và cơ hội làm việc phù hợp và tốt ở các bộ phận sau của doanh nghiệp:
- Bộ phận hoạch định chiến lược, chính sách và kế hoạch kinh doanh;
- Bộ phận quản trị dự án kinh doanh khách sạn ;
- Bộ phận quản trị nhân lực doanh nghiệp khách sạn;
- Bộ phận quản trị tác nghiệp doanh nghiệp khách sạn;
- Bộ phận quản trị khách hàng và marketing khách sạn;
- Bộ phận quản trị chất lượng dịch vụ khách sạn.
            Ngoài ra, sinh viên có khả năng và cơ hội làm việc phù hợp ở các loại hình và tổ chức doanh nghiệp khác như: Các loại hình doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn, thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ; các bộ phận quản trị và hoạt động thương mại ở các loại hình doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh; các bộ phận R & D ở các tổ chức kinh tế, tổ chức phi lợi nhuận, các viện nghiên cứu, các trường trung học, cao đẳng, đại học; các bộ phận có liên quan đến quản lý thị trường và thương mại ở các cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Những năm gần đây, du lịch Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh, các tập đoàn lớn về nhà hàng khách sạn của thế giới không ngừng đầu tư vào Việt Nam với quy mô ngày càng lớn. Đấy cũng chính là nguyên nhân khiến nhu cầu nhân lực đáp ứng cho ngành Quản trị Khách sạn đang rộng mở với nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn, nhất là đối với những người trẻ và năng động.